top of page

Khen con sao cho đúng?

Updated: Jan 4, 2023

Dành cho con lời khen ngợi được coi là một trong những cách mà ba mẹ gieo hạt giống động lực cũng như nuôi dưỡng sự tự tin của con trẻ. Mỗi lời khen đúng cách, đúng mức và kịp thời sẽ càng kích thích con phát huy những việc mình đã làm tốt. Lời khen có sức mạnh như thế nào trong những năm đầu đời của con và khen như thế nào là đúng, là đủ? Hy vọng những thông tin trong bài viết dưới đây sẽ giúp ba mẹ tìm ra câu trả lời cho riêng mình.


Trẻ con vô cùng tinh ý và thích được nghe những lời ngọt ngào cùng cử chỉ âu yếm từ ba mẹ. Ngoài việc chăm sóc thể chất bằng các yếu tố dinh dưỡng, ăn, ngủ, chơi đùa... thì sức khỏe tinh thần của con cũng cần được quan tâm sâu sắc bằng những yêu thương, khích lệ, lắng nghe và thông cảm. Những lời khen đúng mực, đúng lúc chính là động lực để khuyến khích con làm việc tốt nhiều hơn, đồng thời cũng tạo ra sự vui vẻ, phấn khích. Nhưng nếu ba mẹ vô tình “thổi phồng” thành tích của con hay sử dụng lời động viên không đúng lúc sẽ dễ gây ra tác dụng ngược.

Một số lời khen phổ biến và chung chung như “Con đã làm rất tốt”, “Giỏi lắm” hay “Con rất thông minh” mà ta thường thấy không phải lúc nào cũng truyền cảm hứng được cho các bạn nhỏ.


Vậy làm thế nào để dành cho con lời khen ngợi đúng cách và có hiệu quả? Hãy cùng tham khảo 7 cách ME School gợi ý dưới đây nhé.

Lời khen có sức mạnh to lớn, là nguồn động viên tích cực đối với con

1. Hãy chân thành

Đôi khi người lớn chúng ta thường cố tình “cộng thêm” vào lời khen và nghĩ rằng điều đó sẽ động viên con nhiều hơn. Nhưng sự thật rằng nếu con không cảm nhận được sự chân thành thì lời khen lúc này sẽ mất đi nhiều giá trị vốn có. Ví dụ:

  • Khi con trả lời được một câu hỏi đố, đừng vội khen “Con đúng là thiên tài đấy!” mà hãy nói “Câu trả lời của con rất hay”

  • Khi con chia sẻ với bạn một cái kẹo, đừng vội khen “Con đúng là thiên thần đấy!” mà hãy nói “Chia sẻ với bạn là việc làm rất tốt, ba mẹ rất vui khi thấy con biết quan tâm tới những người xung quanh”

2. Cụ thể và chi tiết trong từng lời khen

Thay vì sử dụng các từ khen ngợi một cách chung chung, ba mẹ hãy khen con bằng cách mô tả lại cụ thể việc mà con đã làm tốt. Càng chi tiết, con sẽ càng cảm nhận được lời khen một cách sâu sắc và chân thành nhất.

Ví dụ:

Đừng nói

Hãy nói

Ôi thật là một bức tranh tuyệt đẹp!

Ba mẹ rất thích cách con phối hợp màu sắc cho bức tranh này!

Con làm tốt lắm!

Cách nghĩ của con thật sáng tạo và con đã đưa ra câu trả lời rất đầy đủ cho câu hỏi này!


Cụ thể hóa lời khen giúp con biết rõ việc mình đã làm tốt và sẽ tiếp tục phát huy

3. Đừng chỉ khen ngợi thành tích hay kết quả, hãy công nhận cả quá trình nỗ lực của con

Sự công nhận và lời khen về cả một quá trình chính là động lực giúp con tin rằng việc rèn luyện và phát triển các kỹ năng sẽ đem về một kết quả tương xứng. Nếu ba mẹ chỉ đơn thuần khen về kết quả con đạt được, con sẽ dần tin rằng những điều mình đã làm là cách tốt nhất và ngại thử cái mới vì muốn “bảo tồn” kết quả tốt đẹp đã có.

Ví dụ:

Đừng nói

Hãy nói

Con thật là thông minh!

Ba mẹ thấy con đã rất chăm chú khi xếp các mảnh ghép lại với nhau.

Con xếp tranh puzzle hay tuyệt cú mèo luôn!

Con chọn cách phân chia các mảnh ghép theo màu để xếp tranh puzzle này rất hợp lý nè!

4. Đừng so sánh

Hầu như trong quá trình lớn lên, chúng ta đều đã ít nhất một lần bị so sánh với các nhân vật “con nhà người ta”. Có đôi lúc đó chính là động lực thúc đẩy bản thân cố gắng hơn, nhưng nếu lỡ một ngày gặp phải khó khăn thì chính những lời so sánh đó sẽ lại là một áp lực vô hình. Tương tự như khi chúng ta vô tình so sánh những đứa trẻ với nhau, con sẽ dần nghĩ rằng sự chiến thắng, thành tích tốt nhất mới là mục tiêu cuối cùng của mình chứ không phải những trải nghiệm hay sự trau dồi, phát triển.

Đừng nói

Hãy nói

Con làm tốt lắm, giống như chị của con vậy đó!

Cách con chơi trò này hay và sáng tạo lắm!

Con là người thông minh nhất trong lớp đấy!

Ba mẹ ghi nhận rằng con đã rất tập trung để tìm ra đáp án của câu hỏi này!

Mỗi đứa trẻ đều là cá thể riêng biệt và là duy nhất. Hãy để trẻ tự do khám phá bản thân và khích lệ trẻ tự định hướng những trải nghiệm theo cách của riêng mình

5. Lời khen không cố định & không có “lịch trình”

Khen ngợi là con dao hai lưỡi, tạo động lực khi khen đúng mức hoặc phản tác dụng nếu lời khen không đúng cách hoặc thái quá so với thực tế. Khen ngợi cũng có nhiều hình thức khác nhau, ví dụ như ba mẹ có thể ôm con, xoa nhẹ đầu con hoặc vỗ lưng, đập tay high five... thay cho một lời đánh giá về biểu hiện tốt của con. Hãy để mọi lời khen, ca ngợi hoặc động viên diễn ra một cách tự nhiên nhất, bất ngờ nhất và chân thực nhất với con. Vì giá trị của lời khen ngợi sẽ không còn nữa một khi nó được trông chờ nói ra.


Thay cho cách khen “Giỏi” hoặc “Ngoan”, ba mẹ có thể thử 9 câu sau đây:

1. "Con đã rất cố gắng"

2. "Ba mẹ biết mặc dù việc này rất khó, nhưng con đã không bỏ cuộc và đã làm được rồi này"

3. "Thái độ của con hôm nay rất tốt"

4. "Con đã tiến bộ rất nhiều"

5. "Ý tưởng của con thật mới mẻ và sáng tạo"

6. "Con đã làm việc cùng các bạn rất hiệu quả"

7. "Con đã rất có trách nhiệm trong việc này"

8. "Con giúp bạn hoàn thành nhiệm vụ như vậy thực sự rất tốt!"

9. "Con rất dũng cảm khi vượt qua được nỗi sợ độ cao ngày hôm nay"

10. "Mẹ tin tưởng con"


Đối với con, một lời khen khéo léo, động viên kịp lúc của ba mẹ luôn mang lại hiệu quả tích cực, giúp con phấn khởi hơn và có thêm động lực để phát triển bản thân

176 views0 comments
bottom of page